Bệnh viện thú y

Địa chỉ tin cậy cho thú cưng của bạn

Chết vì bệnh dại từ chó mèo gia tăng

Posted by benhvienthuy trên 30/12/2008

Trong những năm gần đây, số người chết vì bệnh dại ở Việt Nam đang có chiều hướng gia tăng rất nhanh, chiếm tỷ lệ cao nhất so với các bệnh truyền nhiễm khác.

 

Chet vi benh dai tu cho meo gia tang
Chó dại (ảnh nhỏ) và đường đi của virus dại từ chó sang người

Đây là một bệnh có thể chủ động phòng tránh được. Tuy nhiên, do nhiều người chưa biết cách phòng tránh nên xảy ra những cái chết đáng tiếc. PGS.TS Đinh Kim Xuyến – Phó chủ nhiệm thường trực dự án phòng chống bệnh dại (Bộ Y tế) cho biết:

Bệnh dại là bệnh viêm não tuỷ cấp tính do virus dại gây nên. Người bị nhiễm virus này sẽ lên cơn dại và tử vong nếu không được xử lý đúng cách và kịp thời.

Ở Việt Nam, với hơn 6 triệu con chó nhà nuôi là nguồn truyền dại cho người nhiều nhất (khoảng 97%), sau đó là mèo (khoảng 3%). Các súc vật khác hiếm khi truyền bệnh cho người. Tuy nhiên khi bị chúng cắn vẫn cần đi tiêm phòng.

Trong hai năm 2004-2005, bệnh dại tại các nước châu Á tăng mạnh. Việt Nam cũng có chiều hướng tăng bệnh nhân chết do bệnh dại. Chỉ trong năm 2005, số người thiệt mạng đã là 84 trường hợp. Riêng 6 tháng đầu năm 2006 đã có hơn 40 người chết vì bệnh truyền nhiễm này.

Đông nhất là 3 tỉnh Phú Thọ, Tuyên Quang, Yên Bái. Điều này rất đặc biệt, vì trước đây bệnh dại thường gặp ở những vùng đồng bằng nay đã chuyển hướng lên miền núi phía Bắc.

Tại sao số người chết vì bệnh dại lại có chiều hướng gia tăng trở lại?

Tại Việt Nam, chó nuôi là nguồn truyền bệnh dại cho người, chiếm 95-97%, sau đó là mèo. Thống kê của ngành thú y cho thấy, thời gian qua mới chỉ tiêm phòng bệnh dại cho khoảng 20-40% đàn chó trên cả nước.

Đặc biệt, từ khi cúm gia cầm bùng phát ở Việt Nam, ngành thú y tập trung nhiều công sức vào giải quyết nguồn lây bệnh từ gia cầm nên hầu như không quan tâm đến việc tiêm phòng dại cho chó, mèo và quản lý ổ dịch dại ở súc vật, ngay cả khi có dịch dại ở chó, mèo.

Vì vậy, dịch dại ở chó mèo đã lan trên diện rộng và truyền bệnh dại cho nhiều người.

Bên cạnh đó, chính quyền địa phương ở nhiều cấp chưa nhận thức đầy đủ về tầm quan trọng của công tác phòng chống bệnh dại nên chưa có biện pháp tích cực, mạnh mẽ, chưa có sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành và địa phương.

 

Biện pháp duy nhất để cứu những người bị súc vật dại cắn là tiêm phòng bằng vaccine dại và huyết thanh kháng dại. Bệnh nhân không nên chữa bằng thuốc nam.

Bộ Y tế đã thử nghiệm và khẳng định thuốc nam không chữa được bệnh dại. PGS.TS Đinh Kim Xuyến

Ngay cả khi 1 tỉnh có tới hơn 20 người chết vì bệnh dại trong 1 năm nhưng vẫn không có sự quan tâm thích đáng để ngăn chặn dịch.

Ngoài ra, công tác tuyên truyền giáo dục cho cộng đồng về nguy cơ, tác hại của bệnh dại và các biện pháp phòng ngừa chưa đủ mạnh nên người dân vẫn chủ quan, chưa tích cực và chủ động tham gia vào các hoạt động phòng chống bệnh dại.

Cụ thể như: người dân vẫn nuôi quá nhiều chó, không cho chó đi tiêm phòng đầy đủ; khi bị chó mèo dại cắn không rửa vết thương, đi tiêm muộn hoặc không tiêm phòng dại nên trên 90% số ca tử vong là do không tiêm vaccine.

Hiện nay Việt Nam có mấy loại vaccine được sử dụng để điều trị dự phòng cho người bị súc vật nghi dại cắn?

Bộ Y tế cho phép nhập ngoại vaccine Verorab và kháng huyết thanh dại do Cty Aventis Pasteur (Pháp) sản xuất. Có hai loại phác đồ tiêm vaccine Verorab hiện đang được áp dụng tại Việt Nam là: Tiêm chủng dự phòng trước khi bị nhiễm virus dại và tiêm điều trị dự phòng sau khi bị nhiễm virus dại.

Nếu tiêm đúng phác đồ, đúng kỹ thuật, bảo quản vaccine tốt hiệu lực bảo vệ cơ thể của vaccine sẽ kéo dài trong 1 năm. Những người giết mổ chó, bắt chó, cán bộ thú y tiêm phòng, người chữa bệnh chó mèo, người làm phòng virus dại cần đi tiêm phòng vì virus dại dễ xâm nhập qua vết xây xát.

Nhân dân có thể đến 1 trong hơn 800 điểm tiêm phòng dại do các trung tâm y tế dự phòng triển khai để tiêm phòng.

Xin cảm ơn PGS!

Thái Hà

(Theo_Tien_Phong)

Bình luận về bài viết này